Theo Báo cáo số 647/BC-CP của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do T.Ư quản lý là khoảng 1,42 triệu tỉ đồng, trong đó chủ yếu là số dư của 3 quỹ, gồm Quỹ BHXH, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế, do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ.
Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ đạt khoảng 1,47 triệu tỉ đồng, tăng khoảng 56.000 tỉ đồng so đầu năm, trong đó số dư của 3 quỹ do BHXH Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối, trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương 1.300 tỉ đồng.
Riêng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng thu trong năm nay ước đạt 410.000 tỉ đồng (bao gồm cả số ngân sách nhà nước chuyển vào); tổng chi ước khoảng 352.000 tỉ đồng. Chênh lệch thu – chi khoảng 58.000 tỉ đồng.
Số dư quỹ cuối năm dự kiến khoảng 1,24 triệu tỉ đồng, tăng gần 5% (58.000 tỉ đồng) so cuối năm 2023, trong đó chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ.
“Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỉ đồng trên thế nào? Khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao? Theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của Cơ quan Bảo hiểm xã hội có được hoàn thành?”, đại biểu Đồng nêu.
Ông cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ điều này, kể cả những vấn đề đã được các đại biểu khác từng đề cập, như tình hình giải quyết nợ đọng BHXH hay việc xử lý tình trạng người lao động rút hưởng BHXH một lần.
Theo giới chuyên gia, chiếm hầu hết trong cơ cấu sử dụng vốn của BHXH là khoản mục tài sản trái phiếu Chính phủ Việt Nam, ước tới cuối năm nay khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, bao gồm cả lượng trái phiếu 324.000 tỉ đồng đã được Bộ Tài chính nhận nợ trong quá khứ và không lưu hành trên thị trường.
“Phần tài sản này chiếm tới cỡ 92% tổng nguồn vốn của BHXH, trong khi hiển nhiên có rủi ro thanh khoản và rủi ro thị trường, nhưng chưa từng được các cơ quan hữu trách cũng như chính bản thân cơ quan BHXH nhận diện, đo lường và công bố”, ông Đồng nêu.
Đại biểu đoàn Quảng Trị cũng chỉ rõ, một trong những hệ lụy của cung cách đầu tư vốn của BHXH xưa nay là làm méo mó thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam, làm giá cả trên thị trường này không phản ánh đúng tương quan cung – cầu thực về trái phiếu.
Theo ông, nói như giới chuyên môn, đường cong lợi suất trái phiếu Chính phủ chưa từng bao giờ được coi là “chuẩn” để các thị trường vốn và tiền tệ tham chiếu, như thông lệ quốc tế tốt mà chính chúng ta đang hướng tới.
“Không thể buông BHXH đầu tư dự án này kia, rất rủi ro”
Vấn đề thứ 2 là việc điều hành tồn dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước. Ông Đồng cho rằng, sự xung đột mục tiêu hay xung đột lợi ích này sẽ càng lớn, càng phức tạp và càng gây ra nhiều hệ lụy khi lượng tồn dư ngân quỹ quốc gia đang có xu hướng ngày càng phình to.
Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước bình quân tại hệ thống ngân hàng giai đoạn 2017 – 2019 chỉ quanh cỡ 300 đến 500.000 tỉ đồng, thì sang giai đoạn hậu Covid-19 đã tăng lên nhanh, có lúc tới xấp xỉ 1 triệu tỉ đồng.
Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, sự tồn dư ngân quỹ lớn chủ yếu do công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước bị trì trệ những năm qua, trong khi công tác cân đối giữa huy động vốn và sử dụng vốn chưa thực sự tối ưu, còn bị động lớn do phụ thuộc vào nhiều cấp ngành khác. Do đó, ông đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát tháo gỡ những điểm nghẽn này một cách tốt nhất.
Giải trình về ý kiến này, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, 1,24 triệu tỉ đồng số dư quỹ BHXH đang nắm là “dư trên sổ sách, dùng để trả lương hàng tháng cho những người hưu trí”.
Khẳng định đây không phải số dư trên tài khoản tiền gửi, Phó thủ tướng cũng cho biết nguồn tiền này 80% được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, còn lại 20% đầu tư gửi ở các ngân hàng thương mại (NHTM), chủ yếu là 5 NHTM nhà nước do sợ rủi ro.
“Chính phủ huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ, như năm ngoái Quốc hội giao chúng tôi huy động 400.000 tỉ, đến nay thu được 268.000 tỉ đồng, khoản chi này cơ bản đầu tư vào các công trình giao thông hiện nay”, ông Phước nói.
Bình Luận