Tại hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, do Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tổ chức ngày 5/12. Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng ở Việt Nam 9-10 người dân “nuôi” một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700.
“Điều này thể hiện bộ máy đông quá, dân không chịu nổi. Nhiệm vụ tinh gọn, giảm biên chế đã rất gấp rút”, ông Lê Doãn Hợp nói thêm.
Để có được bộ máy hiệu lực, hiệu quả, ông Hợp cho rằng cần giảm sự vụ cho cấp Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng. Cấp trên không nên ôm việc mà nên tăng thẩm quyền cho cấp dưới để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo “rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm”.
Nguyên Bộ trưởng đề ra 5 nguyên tắc phân cấp. Trước hết là thông tin tập trung ở cấp nào thì ưu tiên cho cấp đó ra quyết định. Việc này giúp “tránh tình trạng người hiểu, nắm đầy đủ thông tin, ngồi phân tích, báo cáo cho một người không hiểu gì ra quyết định”.
Ngoài ra, cấp nào chịu trách nhiệm trực tiếp, hiểu cán bộ và gần cán bộ nhất thì cấp đó ra quyết định; việc phân cấp dựa trên đánh giá về đạo đức, năng lực, tín nhiệm của cán bộ và phải phù hợp với tài chính, biên chế và cán bộ.
Theo ông trong các nguyên tắc, quan trọng nhất là con người. Như thời ông còn đương chức, việc chậm trễ trong xử lý công việc “do lãnh đạo, không phải chuyên viên”. Người đứng đầu đó phải nắm, hiểu rõ, dự đoán được công việc và thời gian, rồi phân quyền. Nếu “cán bộ cấp trên không chuẩn chỉnh, cấp dưới không mất việc, không mất chức cũng chẳng yên thân”.
Bình Luận