Vừa rồi, nhân chuyến công tác, tôi có ghé chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang) và chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng).
Thực sự rất buồn. Những chợ nổi đẹp, lâu đời, sầm uất một thời mà tôi từng đi giờ chỉ còn trong ký ức.
Chợ nổi Ngã Năm, dù vị thế đẹp, lý tưởng cho giao thương và du lịch với năm nhánh sông chảy về Phụng Hiệp (Hậu Giang), Cà Mau, Ngan Dừa (Bạc Liêu), Phú Lộc (Sóc Trăng), Long Mỹ (Hậu Giang) nhưng giờ vắng tanh, hiu quạnh đến nao lòng. Những chiếc xuồng du lịch nằm chỏng chơ trên bờ vì không có khách. Hàng hóa lèo tèo vài món, vài phút có một chiếc ghe, xuồng máy chạy qua rao hàng bằng cái loa hiện đại, rồi đi thẳng. Theo những người chèo xuồng du lịch ở đây, do các ghe khan hiếm hàng, nhất là vào mùa nước nổi không có hàng rau – củ – quả để bán nên nhiều chủ ghe phải lên bờ kiếm việc làm thuê. Mặt khác, cầu đường giờ đã thông thoáng, bán trên sông không thuận tiện nên chỉ những ngày lễ Tết, nơi đây mới nhộn nhịp chào đón khách du lịch.
Hiện trong hệ thống chợ nổi ở Tây Nam Bộ chỉ có chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) và chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) là hoạt động còn nhộn nhịp, do sự nổi tiếng và thuận tiện lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Tuy nhiên, so với nhiều năm trước, lượng người mua, người bán và khách du lịch đã giảm đáng kể. Mặt hàng không còn đa dạng, lại đắt, nhất là trái cây vì nhà vườn đã chuyển hướng lên bờ để bán dễ dàng hơn. Một vấn đề nữa là rác ngày càng xuất hiện khá nhiều ở chợ nổi.
Trong khi đó, tại một số quốc gia láng giềng, cụ thể là Thái Lan, chợ nổi hoạt động du lịch rất hiệu quả. Có thể kể một số chợ nổi ở Thái Lan rất đẹp, mộc mạc, gần gũi, nhộn nhịp: Damnoen Saduak, Amphawa, Tha Kha, Bang Nam Phueng… Gian hàng nào cũng đông đúc: ẩm thực, quần áo, lưu niệm… lôi cuốn khách tìm mua. Người bán trên xuồng đều tuân thủ theo khu du lịch, buôn bán bài bản, có trật tự nên được lòng du khách. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất tốt, sông sạch sẽ.
Ở ta, chợ nổi hình thành cả trăm năm qua nhưng hoạt động lại kém hiệu quả. Suy cho cùng vẫn là yếu tố con người. Hoạt động chợ nổi sẽ hấp dẫn trở lại nếu có sự quản lý chặt chẽ và khoa học. Nói cách khác, chợ nổi cần phải được “chăm sóc” một cách có kế hoạch và bài bản bởi bàn tay của cơ quan quản lý địa phương. Chẳng hạn nên có chính sách ưu đãi cho người buôn bán lâu đời trên sông tại chợ nổi và đưa người bán vào khuôn khổ. Cần giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng ẩm thực buôn bán trên sông, xử lý rác đúng nơi quy định. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chợ nổi (nhất là du lịch) nhằm tạo môi trường kinh doanh đa dạng, nhộn nhịp… Có như vậy mới thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm.
Nguyễn Thanh Vũ
Bình Luận