Nghị định 126/2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế đưa ra một số quy định mà doanh nghiệp không cẩn thận rất dễ bị đóng tiền chậm nộp.
Thuế tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% số thuế năm
Tại khoản 6, Điều 8, Nghị định số 126/2020 hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế (gọi tắt NĐ 126) quy định “Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước”. Với quy định “ngặt” như vậy, trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thu nhập quý 1, 2, 3 thấp nhưng quý 4 tăng, đặc biệt tăng đột biến rất dễ dẫn đến tỷ lệ nộp thuế 3 quý đầu năm thấp hơn 75%, kéo theo là phải nộp tiền chậm nộp.Một ví dụ minh chứng, quý 1 doanh nghiệp có thu nhập 100 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp 20 tỉ đồng; quý 2 có thu nhập 100 tỉ đồng, tạm nộp 20 tỉ đồng; quý 3 thu nhập 100 tỉ đồng, tạm nộp 20 tỉ đồng; thế nhưng qua quý 4 có thu nhập tăng lên 200 tỉ đồng, thuế tạm nộp 40 tỉ đồng. Cộng lại cả năm, thu nhập của doanh nghiệp là 500 tỉ đồng, có số thuế phải nộp là 100 tỉ đồng. Như vậy số thuế tạm nộp của 3 quý chỉ đạt 60/100 tỉ đồng, tương ứng 60%, tức thấp hơn quy định 75% số thuế phải nộp là 75 tỉ đồng. Nếu áp theo quy định trên, doanh nghiệp này phải đóng thêm tiền chậm nộp 679,5 triệu đồng (75 – 60 = 15 tỉ đồng; 15 tỉ đồng x 0,03%/ngày x 151 ngày).
Quy định bất hợp lý
Quy định này hết sức vô lý, trong khi 3 quý đầu năm doanh nghiệp đã nộp đúng quy định của pháp luật thuế hiện hành, nhưng cuối năm nếu thu nhập quý 4 lớn hơn bình quân 3 quý đầu năm thì năm nào cũng bị tính tiền chậm nộp tiền thuế trong 5 tháng. Thông thường, thời điểm cuối năm các doanh nghiệp thường tăng tốc các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong trường hợp thu nhập của doanh nghiệp tăng đột biến trong quý này sẽ càng khốn khổ với quy định trên. Chẳng hạn ví dụ trên, thu nhập của doanh nghiệp quý 4 mà tăng lên 500 tỉ đồng, số tiền chậm nộp sẽ lên đến 2,718 tỉ đồng. Như vậy, doanh nghiệp càng nỗ lực sản xuất kinh doanh vào thời điểm cuối năm, càng dễ dính vi phạm quy định này.Ông Trần Xoa – Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho rằng doanh nghiệp nộp thuế theo thu nhập phát sinh thực tế chứ không nên đưa điều khoản áp dụng tỷ lệ 75% trong 3 quý đầu năm để tính tiền chậm nộp của doanh nghiệp một cách tận thu bất hợp lý. Điều mà ông Trần Xoa lo lắng là NĐ 126 có hiệu lực từ ngày 5.12 nên chưa rõ cơ quan thuế có áp dụng quy định này cho toàn bộ năm 2020 hay không. Ngày 30.10, doanh nghiệp đã nộp xong thuế 3 quý đầu năm 2020, lúc này Nghị định chưa có hiệu lực thi hành, nếu tính tiền chậm nộp năm 2020 là đã hồi tố không đúng pháp luật. Trường hợp áp dụng quy định này, doanh nghiệp rất dễ bị tính tiền chậm nộp bởi các quý 1, 2, 3 gần như hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng nên trường hợp thu nhập thấp hoặc âm mà quý 4 tăng vọt sẽ bị tính tiền chậm nộp ngay.
Bình Luận