Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên lỗ hơn 830 tỷ đồng: Làm sai vì tin tưởng cấp trên, cấp dưới?



các bị cáo làm trước tòa với vụ án lỗ hơn 830 tỷ đồng

Theo Tienphong – Những người lần lượt giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên nói rằng, họ làm sai vì tin tưởng cấp trên giới thiệu nhà thầu phụ, hoặc do mới lên làm lãnh đạo nên tin cấp dưới.

Nguyên Phó thủ tướng là nhân chứng

Ngày 12/4, TAND TP Hà Nội xét xử vụ án thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Trong vụ, có 14 người bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 5 người bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo đều là cựu lãnh đạo, cán bộ của TISCO hoặc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS).

Tại tòa, chủ tọa cho biết đã nhận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng giám đốc VNS. Theo nội dung đơn, bị cáo này mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, phải nhờ người thân giúp sinh hoạt nên không thể ra tòa. Bị cáo cho biết đã nhận thức đầy đủ hành vi của mình, cam kết sẽ tuân thủ bản án, quyết định của tòa. Cũng trong phần thủ tục, các luật sư đề nghị triệu tập thêm giám định viên từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng. Ngoài ra, cần triệu tập nhân chứng là nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vì ông Hải ký những văn bản quan trọng trong vụ án; triệu tập ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Công Thương.

Sau hội ý, HĐXX thống nhất thấy cần thiết phải triệu tập giám định viên đến tòa. Với đề nghị triệu tập nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Bộ trưởng Công Thương, chủ tọa cho biết tài liệu liên quan đã có ở giai đoạn điều tra; nếu luật sư thấy cần thiết, tòa sẽ công bố nên sẽ không triệu tập.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Trần Trọng Mừng – nguyên Tổng giám đốc TISCO thừa nhận mình có trách nhiệm trong việc giới thiệu nhà thầu phụ không đủ năng lực, nhưng cho rằng phía truy tố xác định ông giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu là không chính xác. Theo cáo trạng, dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do Tổng Cty Thép Việt Nam (VNS) chỉ đạo, kiểm soát; đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

TISCO ký với MCC hợp đồng EPC trị giá hơn 160 triệu USD với nội dung MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao trong vòng 30 tháng. Tuy nhiên, MCC sau đó không thi công và đòi tăng giá. Các bị cáo tại TISCO và VNS chấp thuận yêu cầu này đồng thời giới thiệu Tổng Cty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C (xây lắp). Phần C cũng bị chuyển từ hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá. Đến năm 2011, VINAINCON dừng thi công do không đủ năng lực nên dự án của TISCO bị tạm dừng đến nay.

Biết sai vẫn làm

Cơ quan truy tố cho rằng, việc các bị cáo chấp thuận tăng giá hợp đồng EPC và chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến dự án chậm tiến độ, phát sinh lãi vay… gây thiệt hại 830 tỷ đồng. Trả lời xét hỏi, bị cáo Mừng khai, khi MCC vi phạm hợp đồng, bản thân ông thay mặt TISCO đã làm văn bản nhắc nhở, đốc thúc. TISCO cũng báo cáo sự việc lên VNS và Bộ Công Thương, đề xuất dừng hợp đồng với MCC và phạt doanh nghiệp này nhưng nhận chỉ đạo phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ.

Đáng chú ý, bị cáo Mừng khẳng định đã giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ bởi nhận văn bản giới thiệu VINAINCON từ một Thứ trưởng Bộ Công Thương. Văn bản giới thiệu cho biết doanh nghiệp này của bộ, có kinh nghiệm, từng xây lắp nhiều công trình quan trọng. Ông Mừng thừa nhận có trách nhiệm trong việc giới thiệu VINAINCON nhưng cho rằng: “Sai vì tin tưởng cấp trên”.

Tuy vậy, bị cáo Mừng không thừa nhận trách nhiệm trong việc đổi phần C từ trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá, nói lúc đó mình đã nghỉ hưu. Bị cáo này khai từng phân tích lý do không thể chuyển hình thức hợp đồng nhưng những người kế nhiệm ông vẫn chấp nhận việc này. “Điều chỉnh theo đơn giá là giá quý sau cao hơn quý trước, đến lúc nào đó nó vượt tổng mức đầu tư sẽ không làm được nữa. Việc điều chỉnh theo đơn giá cũng không khuyến khích nhà thầu làm việc bởi họ chờ quý sau giá tăng mới làm” – bị cáo Mừng nói.

Người kế nhiệm ông Mừng từ tháng 7/2009 tại TISCO là bị cáo Trần Văn Khâm cũng thừa nhận làm sai, cho rằng bản thân: “Mới lên chức, chưa bao giờ làm dự án lớn, không kinh nghiệm gì nên tin tưởng anh em”. Ông Khâm bị cáo buộc biết giá thầu là trọn gói nhưng vẫn ký quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư và chấp nhận nhà thầu phụ không đủ năng lực, chấp nhận ký hợp đồng xây lắp theo đơn giá.

Bạn là người đầu tiên bình luận

Bình Luận

Thông tin Email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*