Cần công khai danh tính những trường hợp biết sai mà vẫn làm, cố tình mua bằng để phục vụ các mục tiêu khác nhau. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà giáo về phương án xử lý những người mua bằng tại Trường ĐH Đông Đô.
Đồng tình cần nghiêm khắc nhưng cũng có ý kiến nhấn mạnh tính nhân bản trong quá trình xử lý và đặc biệt là phải “tuân thủ pháp luật”.
Phân loại, phân tích kỹ lưỡng
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT – cho rằng khi đã biết chính xác số lượng người được cấp bằng mà không qua đào tạo ở Trường ĐH Đông Đô, tiếp theo hoàn toàn có thể xác định danh tính. Việc đối chiếu, kiểm tra có thể dựa trên nhiều dữ liệu như phiếu thu tiền đầu vào, quyết định cấp bằng, danh sách in bằng…
Theo TS Vinh, nên công khai danh tính với những trường hợp biết cái sai ở trường nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua bằng. Thậm chí có thể liệt kê cả cơ quan, trường học mà những người này mua bằng để “chạy” vào. Với những trường hợp không biết chất lượng giảng dạy kém – những người bị lừa – thì không nên công khai. TS Vinh cho rằng công khai ở đây là để răn đe, nhưng trước đó phải được phân loại và phân tích kỹ lưỡng.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – cùng quan điểm cần công khai danh tính những người mua bằng. Theo ông, ngoại ngữ là bắt buộc trong đầu ra của chương trình đào tạo tiến sĩ, do đó nếu mua bằng mà không qua đào tạo đồng nghĩa chưa đạt chuẩn tiến sĩ. Nếu những người này đã được cấp bằng tiến sĩ thì cần thu hồi bằng tiến sĩ ngay. “Cần công khai để răn đe và nghiêm khắc trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Vấn đề này đã kéo dài nhiều rồi” – ông Dũng nói.
Nhân bản, đúng luật
Trong khi đó, viện trưởng một viện giáo dục ở TP.HCM cho rằng cần cân nhắc thêm yếu tố nhân bản trong cách thức chế tài. Theo ông, việc ngồi tù nhiều năm đôi khi không hủy hoại cuộc đời một người bằng chuyện công khai danh tính của họ trên báo chí. Thậm chí có thể người thân của họ cũng liên lụy. “Theo tôi, răn đe có nhiều cách, nhưng trước khi áp dụng cần cân nhắc liệu cách đó có nhân bản không” – vị này nói.
Luật sư Nguyễn Thành Công – Đoàn luật sư TP.HCM – cho biết nếu phụ giúp người làm ra bằng giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giấy tờ giả. Nếu là người có chức vụ, quyền hạn trong việc cấp bằng giả và hợp thức hóa các điều kiện tương ứng để đối tượng đủ điều kiện được cấp bằng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác. Nếu dùng tiền nhằm hối lộ người có chức vụ, quyền hạn để người đó cấp bằng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ.
Công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng sẽ bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, nếu dùng bằng giả để được bổ nhiệm thì bị cách chức theo điều 12, 13 và 18, 19 nghị định 112/2020. Cũng theo nghị định này, kỷ luật cán bộ công chức, viên chức được thực hiện qua các hình thức cảnh cáo, cách chức, giáng chức, bãi nhiệm, hạ bậc lương, buộc thôi việc mà không có quy định việc bị công khai danh tính, trong đó có trên các phương tiện truyền thông.
“Trường hợp đủ dấu hiệu bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc “bêu danh tính” lúc này mới được xem là có thể thực hiện thông qua việc các cơ quan truyền thông đưa tin về vụ án, chứ trong Bộ luật hình sự cũng không có chế tài riêng về vấn đề này. Cần xác định việc công khai danh tính trong trường hợp sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô dù đã vi phạm nghiêm trọng về pháp luật lẫn đạo đức nhưng xử lý cần phải tuân theo quy định pháp luật, không thể tùy tiện” – luật sư Công nói.
Bình Luận