Lại nở rộ cho vay tiền qua mạng bằng iCloud



Không cần thế chấp, các đối tượng cho vay nặng lãi chỉ yêu cầu đăng nhập vào iCloud của điện thoại di động iPhone người đi vay. Đây là một hình thức “tín dụng đen” mới phổ biến hiện nay.

Nắm iCloud để kiểm soát khách hàng

Cuối tháng 10, Công an Q.3 (TP.HCM) đã triệt phá một băng nhóm cho vay nặng lãi bằng nhiều hình thức, đặc biệt là thông qua việc kiểm soát iCloud trên các thiết bị iPhone, iPad (chủ yếu là iPhone) để buộc người vay trả nợ. Cụ thể trước khi cho vay, nhóm này sẽ yêu cầu khách phải đăng xuất iCloud trên điện thoại iPhone. Khách đồng ý thì nhóm sẽ đổi iCloud mới (hay nói rõ hơn là bên cho vay sẽ đổi lại mật mã iCloud nhưng không cho chính chủ biết), bật tính năng Find My Phone và đồng bộ danh bạ, rồi mới làm hợp đồng. Ngoài hợp đồng cho vay còn có hợp đồng bán điện thoại và hợp đồng cho thuê điện thoại.Công an xác định nhóm này đã cho khoảng hơn 200 người vay, trong đó hơn 80 người đang vay với số tiền 500 triệu đồng, 124 người vay đã trả xong nợ 725 triệu đồng (thu cả gốc lẫn lãi hơn 900 triệu đồng) với lãi suất là 20% trong kỳ hạn 50 ngày. Với hình thức cho vay trả góp hằng kỳ, cứ 5 ngày phải trả lãi một lần, tiền được chuyển khoản chứ không nhận tiền mặt. Khi người vay không trả tiền theo đúng hẹn, nhóm này thông qua tính năng Find My iPhone có thể tìm ra vị trí chính xác của người vay hoặc có thể khóa iPhone từ xa và người vay không thể sử dụng điện thoại được nữa. Chỉ khi khách hàng thanh toán xong nợ thì nhóm cho vay sẽ làm thủ tục thoát “iCloud” cho điện thoại của khách hàng.Hình thức cho vay này đang được quảng bá rộng rãi. Chỉ cần tìm kiếm trên trang Google theo từ “cho vay tiền bằng iCloud”, trong vòng 0,53 giây đã có ngay 680.000 kết quả có liên quan. Hàng loạt lời chào mời hấp dẫn như “Chỉ cần sử dụng iPhone 8+ trở lên là vay được, không giữ giấy tờ. Chuyển khoản nhận tiền. Góp ngày không góp tháng” hay “Chỉ nhập iCloud là cầm tiền ngay. Hỗ trợ giá trị máy cao. Bạn vẫn được sử dụng máy”… Việc thế chấp bằng iCloud thay vì chứng minh nhân dân hay hộ khẩu là một hình thức cho vay tiền qua mạng hiện nay, với lãi suất phổ biến từ 0,5 – 1%/ngày.

Thử thực hành, sau khi chúng tôi để lại lời nhắn trên Facebook “Tín dụng táo – Tài chính 4.0” nhu cầu vay, chưa đầy 5 phút sau một nam thanh niên điện lại hỏi: “Điện thoại iPhone của chị đời nào?”. Biết dòng điện thoại iPhone 8 plus, nam thanh niên nói: “8 plus thì tụi em hỗ trợ 4 triệu đồng trong 50 ngày, mỗi ngày góp 100.000 đồng. Em sẽ đến tận nơi ký hợp đồng, cài iCloud của công ty em vào máy chị và đưa tiền mặt. Máy điện thoại chị vẫn sử dụng bình thường nhưng đến kỳ góp tiền trả thì chị chuyển khoản. Em cài iCloud của công ty vào máy chị để tránh trường hợp đang còn hợp đồng mà chị mang máy đi cầm hoặc bán chỗ khác”. Tìm hiểu một loạt các trang tương tự như trên, tùy theo dòng máy iPhone đời nào mà bên cho vay đưa ra số tiền tương ứng. Vay 4 triệu đồng trong vòng 50 ngày trả 5 triệu đồng, tương ứng lãi vay 25% trong thời gian gần 2 tháng. Còn trang mạng Facebook khác “Vay tiền bằng iCloud iPhone”, cho vay 5 triệu đồng, trong vòng 60 ngày, chia ra thành 6 kỳ trả nợ 1,125 triệu đồng/kỳ. Như vậy vay 5 triệu đồng sẽ trả 6,75 triệu đồng, tương ứng 35%/2 tháng…

Bị mất điện thoại, bị kiểm soát thông tin

iCloud là một dịch vụ của Apple cung cấp cho người sử dụng các công cụ lưu trữ dữ liệu như văn bản, hình ảnh, và âm nhạc trên các máy chủ từ xa để tải về cho các thiết bị iOS, Macintosh hoặc Windows. Ngoài ra, iCloud còn để quản lý các thiết bị Apple của họ nếu bị mất hoặc bị đánh cắp. Thông qua iCloud, tất cả thông tin của người dùng được lưu trữ trên iPhone hay iPad đều bị người khác nắm được.Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, việc nắm iCloud là ứng dụng công nghệ để nhóm cho vay kiểm soát được khách hàng đi vay tiền. Khi người đi vay không trả tiền, nhóm cho vay có thể nhanh chóng xác định được vị trí của người này dù ở bất kỳ đâu hoặc khóa điện thoại từ xa. Nếu khách hàng chỉ mới vay 2 – 3 triệu đồng mà trị giá điện thoại iPhone đó lên đến chục triệu đồng thì khách hàng sẽ tìm cách trả tiền để sử dụng được điện thoại. Nhưng rủi ro hơn là nhóm cho vay có thể thông qua danh bạ người thân, bạn bè trên điện thoại của khách hàng để tiến hành đòi nợ thay hay khủng bố tinh thần, đe dọa những người xung quanh. Đồng thời các thông tin về tài khoản ngân hàng, địa chỉ email… hoặc những thông tin lưu trong máy tính được đồng bộ với iPhone cũng bị phơi bày. Như vậy số tiền hay những giá trị bị mất đi có thể gấp nhiều lần số lãi vay.“Đây chỉ là một hình thức mới để nhóm cho vay kiểm soát được người vay. Bản chất của nhiều app cho vay tiền qua mạng không cần thế chấp là lãi suất cao, khi khách hàng không trả tiền đúng hạn thì sẽ bị khủng bố bằng tin nhắn hay gọi điện. Nay thông qua iCloud càng dễ bị khóa máy ngay. Vì vậy người dùng luôn cẩn thận vì công nghệ càng phát triển thì có thể ứng dụng vào mọi lĩnh vực và ngay cả những băng nhóm tội phạm cũng có thể ứng dụng công nghệ cao cho các dịch vụ lừa đảo, cho vay nặng lãi…”, ông Võ Đỗ Thắng nhấn mạnh.Bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện app cho vay tiền núp dưới hình thức “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Để phân biệt, người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app.

Bạn là người đầu tiên bình luận

Bình Luận

Thông tin Email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*