Nghệ sĩ muốn có tiền thưởng phải cam kết chia phần



Phản ánh của một số nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình khi được yêu cầu phải ký vào bản cam kết chia tiền thưởng cho đồng tác giả thực hiện tác phẩm mà họ đưa vào hồ sơ xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh.

Tuổi Trẻ vừa nhận được phản ánh của một số nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình bày tỏ bức xúc khi họ được yêu cầu phải ký vào bản cam kết chia tiền thưởng cho đồng tác giả, các thành phần sáng tác chính tham gia thực hiện tác phẩm mà họ đưa vào hồ sơ xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh.

Xung quanh câu chuyện gây tâm tư trong giới nghệ sĩ này có nhiều ý kiến khác nhau.

“Sỉ nhục nghệ sĩ”

Một đạo diễn phim tài liệu điện ảnh và truyền hình nói với Tuổi Trẻ rằng ông và những người nộp hồ sơ xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh năm vừa qua thì mới đây lại được Hội Điện ảnh Việt Nam yêu cầu ký thêm một bản cam kết “kỳ lạ” nữa gửi lên Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021.

Đó là cam kết “hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc phân chia tiền thưởng cho đồng tác giả, các thành phần sáng tác chính tham gia thực hiện tác phẩm theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và quyền liên quan”.

Vị này thắc mắc giải thưởng Nhà nước là trao cho cá nhân đạo diễn, cho những cống hiến lâu dài của nghệ sĩ chứ không phải là một cuộc dự thi và trao giải thưởng cho một tác phẩm điện ảnh, vậy tại sao lại phải chia tiền giải thưởng cho cả tập thể sáng tác?

Và điều quan trọng hơn là sẽ phải chia tiền thưởng đó theo tỉ lệ như thế nào, cho những ai trong toàn bộ êkip đoàn làm phim thì tờ cam đoan này lại không hề có quy định cụ thể.

Ông này cho biết các nghệ sĩ khi được giải đều nghĩ tới anh em, nhưng bắt nghệ sĩ ký vào cam kết đó mới được xét giải thưởng thì đó là điều rất “coi thường” nghệ sĩ. Tuy các nghệ sĩ làm hồ sơ xét giải thưởng lần này đều bức xúc với tờ cam kết kỳ lạ, nhưng vì không muốn ảnh hưởng tới tiến trình xét giải thưởng chung của các nghệ sĩ khác nên họ “nhắm mắt ký”.

Đạo diễn kỳ cựu khác cho biết các nghệ sĩ coi việc phải ký vào tờ cam kết này là một sự sỉ nhục. Ông nói xưa nay các nghệ sĩ đều thực hiện tốt pháp luật về bản quyền, thậm chí rộng rãi với anh em trong êkip làm phim, đâu cần phải bắt họ ký vào tờ cam kết đó mới xét giải cho nghệ sĩ.

Ông thừa nhận cũng có một số người không thực hiện tốt quy định về quyền sở hữu trí tuệ nên Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL) mới phải đưa ra quy định mới này, nhưng ông cho rằng đó không thể là lý do để làm một việc “sỉ nhục nghệ sĩ”.

Nên tế nhị hơn

Liên hệ với ông Phùng Huy Cần – vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng – về văn bản cam kết khiến nghệ sĩ không hài lòng này, ông Cần giải thích trong thực tế từng có những chuyện ầm ĩ, khiếu kiện khi nghệ sĩ được nhận giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh lại không thực hiện quyền tác giả với các đồng tác giả, các thành phần sáng tạo chính của tác phẩm mà nghệ sĩ đưa vào hồ sơ xét giải thưởng.

Cam kết này chỉ là nỗ lực để thực hiện tốt hơn những quy định trong Luật sở hữu trí tuệ và quyền liên quan, tránh bớt đi những tranh chấp về sau.

Theo ông, đây là chuyện hành chính, và chuyện hành chính thì không thể xét đến chuyện tự ái của nghệ sĩ.

Trước câu hỏi rằng những quy định về phân chia tiền thưởng cho đồng tác giả, các thành phần sáng tạo chính đã được quy định rõ ràng trong Luật sở hữu trí tuệ hay các thông tư hướng dẫn, tại sao cần có thêm cam kết này, ông Cần nói có những nghệ sĩ không khai báo đầy đủ về đồng tác giả và thành phần sáng tạo của tác phẩm mà họ mang vào hồ sơ xét giải thưởng.

Một lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam nói cam kết này “hơi thiếu tế nhị một tí nhưng đây là điều nên làm”. Ông nói trước đây cũng có trường hợp thắc mắc nên bộ mới rút kinh nghiệm. Xu hướng là phải thượng tôn pháp luật chuyện bản quyền tác giả, nên vụ làm kỹ.

Theo vị này, đây là trong nỗ lực hành chính hóa để tránh tình trạng sau này thắc mắc hay khiếu kiện không cần thiết, tránh chuyện xích mích giữa các tác giả và điều này là văn minh. Nếu không thì Vụ Thi đua khen thưởng chỉ đi loay hoay giải quyết các khiếu kiện cả năm cũng không hết.

“Chặt chẽ như thế là tốt. Nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật thường nhạy cảm, cái tôi lớn, nhưng chuyện quyền lợi phải rất chặt chẽ và nó rất đời”, ông nói.

Ông Đặng Xuân Hải – cựu chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, người đang phụ trách lãnh đạo hội trong thời gian hội này chưa bầu được chủ tịch mới – cho rằng nên có cách xử lý ổn thỏa hơn để không đụng chạm đến danh dự, tự trọng của nghệ sĩ.

Ông gợi ý chỉ cần trong văn bản hướng dẫn làm hồ sơ xét giải thì hướng dẫn luôn việc thực hiện những quy định về sở hữu trí tuệ, lưu ý các tác giả nghĩ đến quyền lợi của các đồng tác giả và các thành phần sáng tạo chính khác, chứ không cần thiết phải yêu cầu nghệ sĩ làm cam kết.

Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cũng khá ngạc nhiên trước bản cam kết trong thủ tục xét giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực điện ảnh.

giấy cam kết chia phần

Ông Quân cho rằng các quy định về bản quyền đã có trong luật, việc đưa thêm bản cam kết này vào trong hồ sơ xét giải thưởng là không hợp lý.

tuoitre.vn

Bạn là người đầu tiên bình luận

Bình Luận

Thông tin Email của bạn sẽ được giữ bí mật.


*